Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - Chuẩn mực số 402: Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài

doc 5 trang nguyendu 5500
Bạn đang xem tài liệu "Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - Chuẩn mực số 402: Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • doche_thong_chuan_muc_kiem_toan_viet_nam_chuan_muc_so_402_cac_y.doc

Nội dung text: Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam - Chuẩn mực số 402: Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài

  1. HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM CHUẨN MỰC SỐ 402 CÁC YẾU TỐ CẦN XEM XÉT KHI KIỂM TOÁN ĐƠN VỊ CÓ SỬ DỤNG DỊCH VỤ BÊN NGOÀI (Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) QUY ĐỊNH CHUNG 01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc, thủ tục cơ bản đối với công ty kiểm toán và kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán các đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài. Chuẩn mực này cũng đề cập đến báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ mà công ty kiểm toán và kiểm toán viên có thể phải thu thập. 02. Công ty kiểm toán và kiểm toán viên phải đánh giá ảnh hưởng của các dịch vụ mà tổ chức bên ngoài cung cấp cho đơn vị được kiểm toán liên quan đến hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm lập kế hoạch kiểm toán và xây dựng phương pháp tiếp cận có hiệu quả. 03. Một đơn vị có thể sử dụng dịch vụ do tổ chức hoặc cá nhân (dưới đây gọi chung là tổ chức) bên ngoài cung cấp, như dịch vụ ghi sổ kế toán, dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính, dịch vụ tin học. Một số chính sách, thủ tục và tài liệu của tổ chức dịch vụ có thể là hữu ích trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng nếu khách hàng sử dụng dịch vụ do tổ chức dịch vụ bên ngoài cung cấp. 04. Chuẩn mực này áp dụng cho kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài và cũng được vận dụng cho kiểm toán thông tin tài chính khác và các dịch vụ có liên quan của công ty kiểm toán. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải tuân thủ những quy định của Chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán và cung cấp dịch vụ liên quan. Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các nguyên tắc và thủ tục quy định trong Chuẩn mực này để thực hiện trách nhiệm của mình và để phối hợp công việc với kiểm toán viên và công ty kiểm toán giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán. Các thuật ngữ trong Chuẩn mực này được hiểu như sau:
  2. 05. Tổ chức cung cấp dịch vụ: Là tổ chức được thành lập và hoạt động kinh doanh hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ cho các đơn vị, tổ chức khác trên cơ sở ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ. 06. Kiểm toán viên của tổ chức cung cấp dịch vụ: Là kiểm toán viên thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho khách hàng là tổ chức cung cấp dịch vụ. NỘI DUNG CHUẨN MỰC Các yếu tố cần được công ty kiểm toán và kiểm toán viên xem xét 07. Tổ chức cung cấp dịch vụ có thể thiết lập và thực hiện những chính sách và thủ tục ảnh hưởng đến hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị sử dụng dịch vụ. Các chính sách và thủ tục này có thể hoàn toàn tách biệt với đơn vị sử dụng dịch vụ cả về mặt vật chất cũng như về mặt hoạt động. Trường hợp các dịch vụ của tổ chức bên ngoài chỉ giới hạn ở việc ghi chép và xử lý các giao dịch của đơn vị và đơn vị vẫn là người quyết định và chịu trách nhiệm về các giao dịch này thì đơn vị có thể áp dụng các chính sách và thủ tục được xem là có hiệu quả trong tổ chức của mình. Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ thực hiện toàn bộ các giao dịch của đơn vị và chịu trách nhiệm về các giao dịch đó thì đơn vị sử dụng dịch vụ có thể tin tưởng vào các chính sách và thủ tục của tổ chức cung cấp dịch vụ. 08. Công ty kiểm toán và kiểm toán viên phải xác định phạm vi của các dịch vụ do tổ chức bên ngoài cung cấp và ảnh hưởng của nó đối với công việc kiểm toán. Để thực hiện công việc này, kiểm toán viên phải xem xét các yếu tố sau: Tính chất của các dịch vụ do tổ chức bên ngoài cung cấp; Điều kiện của hợp đồng và mối quan hệ giữa đơn vị sử dụng dịch vụ và tổ chức cung cấp dịch vụ; Cơ sở dẫn liệu báo cáo tài chính có tính trọng yếu chịu ảnh hưởng bởi việc sử dụng dịch vụ bên ngoài; Rủi ro tiềm tàng liên quan đến những cơ sở dẫn liệu này; Tác động qua lại giữa hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị sử dụng dịch vụ và của tổ chức cung cấp dịch vụ; Các thủ tục kiểm soát nội bộ của đơn vị sử dụng dịch vụ đối với các giao dịch do tổ chức cung cấp dịch vụ xử lý; Năng lực và khả năng về tài chính của tổ chức cung cấp dịch vụ, bao gồm cả những tác động có thể có đến đơn vị sử dụng dịch vụ nếu tổ chức này làm sai hoặc bị phá sản; Thông tin về tổ chức cung cấp dịch vụ như thông tin ghi trên hướng dẫn người sử dụng và hướng dẫn kỹ thuật;
  3. Các thông tin có sẵn liên quan đến các kiểm soát chung và kiểm soát hệ thống tin học liên quan đến ứng dụng của đơn vị sử dụng dịch vụ. Sau khi xem xét các yếu tố trên, công ty kiểm toán và kiểm toán viên kết luận là việc đánh giá các rủi ro kiểm soát không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kiểm soát của tổ chức cung cấp dịch vụ thì không cần thiết phải áp dụng Chuẩn mực này. 09. Kiểm toán viên phải xem xét Báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ, của kiểm toán viên nội bộ hoặc của cơ quan quản lý nhằm thu thập thông tin về hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức cung cấp dịch vụ cũng như hoạt động và tính hiệu quả của hệ thống này. 10. Nếu công ty kiểm toán và kiểm toán viên kết luận rằng hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của đơn vị sử dụng dịch vụ và do đó tác động đến công việc kiểm toán thì công ty kiểm toán và kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ các thông tin để hiểu về hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá rủi ro kiểm soát ở mức độ cao nhất hoặc ở mức thấp hơn, nếu có thực hiện các thủ tục kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ. 11. Nếu các thông tin thu thập được không đầy đủ, kiểm toán viên phải đề nghị tổ chức cung cấp dịch vụ yêu cầu công ty kiểm toán và kiểm toán viên của mình thực hiện những thủ tục kiểm toán thích hợp để thu thập các thông tin cần thiết, hoặc đến tổ chức cung cấp dịch vụ để thu thập các thông tin trên. Kiểm toán viên muốn đến tổ chức cung cấp dịch vụ phải yêu cầu đơn vị được kiểm toán đề nghị với tổ chức cung cấp dịch vụ cho phép kiểm toán viên tiếp cận các thông tin cần thiết. 12. Kiểm toán viên có thể tìm hiểu và đánh giá hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ có chịu ảnh hưởng của tổ chức cung cấp dịch vụ hay không bằng cách tham khảo Báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, kiểm toán viên có thể sử dụng báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ để đánh giá rủi ro kiểm soát liên quan đến những cơ sở dẫn liệu có thể chịu ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát của tổ chức này. Nếu kiểm toán viên sử dụng báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ thì phải xem xét năng lực chuyên môn của kiểm toán viên thực hiện dịch vụ đó có đáp ứng yêu cầu kiểm toán cho tổ chức cung cấp dịch vụ hay không. 13. Kiểm toán viên cần thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp thông qua kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ để làm cơ sở cho việc đánh giá rằng rủi ro kiểm soát ở mức thấp hơn. Có thể thu thập các bằng chứng này bằng cách: Kiểm tra những thủ tục kiểm soát của khách hàng đối với các hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ. Thu thập báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ để tham khảo ý kiến về tính hiệu quả và sự vận hành của hệ thống kế toán và hệ thống
  4. kiểm soát nội bộ của tổ chức này đối với những phần hành được xem xét trong kiểm toán. Thực hiện kiểm tra các thủ tục kiểm soát tại tổ chức cung cấp dịch vụ. Báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ 14. Trường hợp công ty kiểm toán và kiểm toán viên sử dụng báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ do công ty kiểm toán và kiểm toán viên khác thực hiện thì phải xem xét tính chất và nội dung của báo cáo này. 15. Báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ thường có 2 loại: Loại A - Báo cáo về tính phù hợp của thiết kế hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ a) Mô tả về hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức cung cấp dịch vụ, thường là do Ban Giám đốc của tổ chức này lập, và b) Ý kiến của công ty kiểm toán và kiểm toán viên rằng: i) Mô tả trên là đúng; ii) Hệ thống kiểm soát đã và đang hoạt động; và iii) Hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ được thiết kế phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Loại B - Báo cáo về tính phù hợp của thiết kế và về tính hiệu quả của hoạt động a) Mô tả hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức cung cấp dịch vụ, thường là do Ban Giám đốc của tổ chức này lập; và b) Ý kiến của công ty kiểm toán và kiểm toán viên rằng: i) Mô tả trên là đúng; ii) Hệ thống kiểm soát đã và đang hoạt động; iii) Hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ được thiết kế phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra; và iv) Hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hữu hiệu dựa trên cơ sở kết quả của việc kiểm tra các thủ tục kiểm soát. Ngoài ý kiến về sự hoạt động hữu hiệu của các hệ thống này, công ty kiểm toán và kiểm toán viên của tổ chức cung cấp dịch vụ cần chỉ ra các thủ tục kiểm toán đã tiến hành và kết quả của các thủ tục kiểm toán đó. Báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ do công ty kiểm toán và kiểm toán viên khác thực hiện thường phải nêu rõ giới hạn phạm vi sử dụng báo cáo (thường cho Ban Giám đốc và các khách hàng của tổ chức, cũng như công ty kiểm toán và kiểm toán viên của các khách hàng này).
  5. 16. Công ty kiểm toán và kiểm toán viên phải xem xét phạm vi công việc thực hiện bởi công ty kiểm toán và kiểm toán viên khác cho tổ chức cung cấp dịch vụ và phải đánh giá xem báo cáo này có hữu ích và thích hợp không. 17. Báo cáo thuộc "Loại A" có thể hữu ích hơn cho công ty kiểm toán và kiểm toán viên của đơn vị sử dụng dịch vụ trong việc tìm hiểu và đánh giá hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ nhưng kiểm toán viên không thể chỉ căn cứ trên báo cáo loại này để đánh giá là rủi ro kiểm soát ở mức độ thấp hơn. 18. Báo cáo thuộc "Loại B" có thể được dùng làm căn cứ để đánh giá rủi ro kiểm soát ở mức độ thấp hơn, vì việc kiểm tra các thủ tục kiểm soát đã được thực hiện. Trường hợp này kiểm toán viên phải xem xét 2 vấn đề: a) Những thử nghiệm kiểm soát mà công ty kiểm toán và kiểm toán viên khác thực hiện cho tổ chức cung cấp dịch vụ có thích hợp đối với những giao dịch của đơn vị hay không (các cơ sở dẫn liệu trọng yếu trong báo cáo tài chính của khách hàng); b) Việc kiểm toán viên của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm tra các thủ tục kiểm soát cũng như kết quả của chúng có thỏa đáng hay không. Đối với vấn đề này, có hai điều quan trọng cần tính đến là chu kỳ của các cuộc kiểm tra và khoảng thời gian đã qua của kiểm tra mới được thực hiện. 19. Đối với những thử nghiệm kiểm soát và các kết quả đạt được mà kiểm toán viên có thể sử dụng, công ty kiểm toán và kiểm toán viên phải xác định tính chất, lịch trình và phạm vi của các thủ tục này có cung cấp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hiệu quả của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ hay không để làm cơ sở cho việc đánh giá rủi ro kiểm soát. 20. Kiểm toán viên của tổ chức cung cấp dịch vụ có thể thực hiện các thử nghiệm kiểm soát theo yêu cầu của kiểm toán viên và được đơn vị sử dụng dịch vụ, công ty kiểm toán, tổ chức cung cấp dịch vụ và công ty kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ thỏa thuận. 21. Công ty kiểm toán và kiểm toán viên có thể sử dụng Báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ nhưng không được đề cập đến bất kỳ thông tin nào về báo cáo kiểm toán của tổ chức cung cấp dịch vụ trong báo cáo kiểm toán của mình. * * *