Nguyên lý kế toán - Hoàn thiện phương pháp trích lập qũy dự phòng nghiệp vụ tại các doanh nghiệp bảo hiểm

doc 8 trang nguyendu 6280
Bạn đang xem tài liệu "Nguyên lý kế toán - Hoàn thiện phương pháp trích lập qũy dự phòng nghiệp vụ tại các doanh nghiệp bảo hiểm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docnguyen_ly_ke_toan_hoan_thien_phuong_phap_trich_lap_quy_du_ph.doc

Nội dung text: Nguyên lý kế toán - Hoàn thiện phương pháp trích lập qũy dự phòng nghiệp vụ tại các doanh nghiệp bảo hiểm

  1. HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP TRÍCH LẬP QŨY DỰ PHÒNG NGHIỆP VỤ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM Thạc sĩ Hồ Thủy Tiên - Tạp chí Phát triển Kinh Tế tháng 3/2003 Kinh doanh bảo hiểm là một hoạt động mang tính đặc thù “Chu trình sản xuất ngược”, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm trước, tiến hành bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm sau khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Cho nên, hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác, doanh nghiệp bảo hiểm phải thật sự an toàn, phải đảm bảo được khả năng chi trả khi tổn thất xảy ra. Sự an toàn của các doanh nghiệp bảo hiểm được đo lường thông qua khả năng thanh toán. Một trong những yếu tố chứng minh khả năng thanh toán là sự lớn mạnh không ngừng của các quỹ dự phòng nghiệp vụ tại các doanh nghiệp bảo hiểm. Vậy quỹ dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm là gì? Hình thành từ đâu? Phương pháp xác định như thế nào? 1. Khái lược. Theo qui định tại Điều 96, Luật kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 9.12.2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2001 thì dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết. Thật vậy, để tránh tích tụ rủi ro, các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành ký kết các hợp đồng bảo hiểm ở thời điểm rải đều trong suốt năm với các thời hạn khác nhau. Do đó, vào thời điểm kết thúc năm tài chính (31.12), sẽ có một số hợp đồng có hiệu lực chưa kết thúc và doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải có trách nhiệm đối với những hợp đồng này trong năm tài chính sau. Cho nên, số phí bảo hiểm thu được trong năm, ngay sau khi ký hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm không được tính hết vào kết quả trong năm tài chính đó mà cần phải chuyển một phần phí thu được sang năm tài chính sau để đảm bảo cho các trách nhiệm này và nó hình thành nên quỹ dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo Nghị định số 43CP ngày 01.8.2001 qui định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và Thông tư 72 ngày 28.8.2001, hướng dẫn thực hiện Nghị định 43 thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: ° Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ: dự phòng nghiệp vụ bao gồm:
  2. 2 - Dự phòng phí chưa được hưởng, được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo; - Dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết, được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết; - Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất, được sử dụng để bồi thường khi có dao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính, sau khi đã trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết không đủ để chi trả tiền bồi thường đối với phần trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm. ° Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ: dự phòng nghiệp vụ bao gồm: - Dự phòng toán học là khoản chênh lệch giữa giá trị hiện tại của số tiền bảo hiểm và giá trị hiện tại của phí bảo hiểm sẽ thu được trong tương lai, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; - Dự phòng phí chưa được hưởng áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn dưới một năm, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo; - Dự phòng bồi thường, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết; - Dự phòng chia lãi, được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm; - Dự phòng bảo đảm cân đối, được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ tử vong, lãi suất kỹ thuật. Phạm vi bài viết này chỉ đi vào phân tích hai loại quỹ dự phòng là dự phòng phí chưa được hưởng đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và dự phòng toán học đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ vì đây là hai loại quỹ quan trọng và chủ yếu, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm. 2. Phương pháp trích lập a. Đối với dự phòng phí chưa được hưởng của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ:
  3. 3 Kể từ năm 2002, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ sẽ trích lập dự phòng phí theo qui định của Thông tư 72 ngày 28.8.2001. Theo Thông tư này, dự phòng phí được lập có thể áp dụng theo một trong các phương pháp sau: - Phương pháp trích lập theo tỷ lệ phần trăm của tổng phí bảo hiểm: + Đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không: bằng 17% của tổng phí bảo hiểm giữ lại thuộc năm tài chính của nghiệp vụ bảo hiểm này. + Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác: bằng 40% của tổng phí bảo hiểm giữ lại thuộc năm tài chính của các nghiệp vụ bảo hiểm này. - Phương pháp trích lập theo hệ số của thời hạn hợp đồng bảo hiểm: + Đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không: áp dụng phương pháp trích lập hệ số 1/8. + Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác có thời hạn đến một năm: áp dụng phương pháp trích lập hệ số 1/24 hoặc hệ số 1/365. + Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm: áp dụng phương pháp trích lập theo tỷ lệ bằng 40% của tổng phí bảo hiểm giữ lại thuộc năm tài chính của các nghiệp vụ này. Qui định trích lập dự phòng phí theo Thông tư 72 đã cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn phương pháp trích lập phù hợp với doanh nghiệp mình nhưng những qui định này vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý như: - Dự phòng phí theo phương pháp tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm chỉ được áp dụng phù hợp khi doanh nghiệp có số hợp đồng bảo hiểm được ký kết đều đặn và phí được thu thường xuyên trong năm. Hơn nữa yêu cầu của phương pháp này là cơ cấu phí của nghiệp vụ cần phù hợp vơí giả định, nếu các yếu tố cấu thành phí không phù hợp với giả định thì dự phòng phí được trích lập sẽ không hợp lý. - Dự phòng phí theo qui định của Thông tư 72 chưa loại trừ phần phí bảo hiểm của những hợp đồng vào cuối năm tài chính đã hết hiệu lực. Đồng thời, dự phòng phí chưa trừ ra các khoản chi phí ký kết hợp đồng vì các khoản chi phí này thực ra đã chi hết trong năm hoặc chi ra một lần khi ký kết hợp đồng. - Theo qui định dự phòng phí được lập dựa trên phần phí giữ lại và chỉ đảm bảo cho phần trách nhiệm giữ lại. Như vậy, khi tổn thất phát sinh từ hợp đồng đã nhượng tái bảo hiểm thì nhà bảo hiểm gốc chỉ bồi thường theo phần
  4. 4 trách nhiệm giử lại của mình và chờ bồi thường từ phía nhà nhận tái bảo hiểm theo trách nhiệm của họ. Điều này sẽ làm cho việc bồi thường chậm trễ, không kịp thời trong khi đó nhà bảo hiểm gốc theo qui định vẫn là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với người được bảo hiểm. - Qui định chưa thể hiện mức trích dự phòng pháp định nghĩa là mức trích tối thiểu mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải trích trong trường hợp áp dụng phương pháp tính khác so với qui định. b. Đối với dự phòng toán học của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thu phí từ những người tham gia bảo hiểm và phải trả tiền bảo hiểm khi người được bảo hiểm bị tử vong trong thời gian có hiệu lực hoặc vẫn còn sống khi hết thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Phí bảo hiểm mà các doanh nghiệp thu từ những người tham gia bảo hiểm thường là phí quân bình. Rất ít trường hợp thu phí một lần ngay từ đầu vì phí sẽ rất lớn và không phải ai cũng có đủ khả năng thanh toán ngay; cũng như, rất ít trường hợp thu phí tương ứng theo rủi ro mỗi năm (phí tự nhiên) vì mức phí dao động qua các năm. Mức phí càng cao khi tuổi của người được bảo hiểm càng lớn sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho họ. Để hiểu rõ hơn, ta xem xét biểu đồ thu phí quân bình và phí tự nhiên cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tử vong, thời hạn 10 năm như sau: Từ biểu đồ ta thấy, phí quân bình lớn hơn phí tự nhiên trong 5 năm đầu nhưng lại nhỏ hơn trong 5 năm cuối. Số dư phí bảo hiểm trong nữa đầu thời hạn bảo hiểm không được sử dụng mà phải được tích lũy lại để bù đắp cho phần phí bị thiếu hụt trong giai đoạn sau. Phần phí thặng dư được tích lũy nhằm sử dụng trong tương lai đã hình thành nên quỹ dự phòng toán học của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Theo qui định của Thông tư 72, dự phòng toán học và cụ thể là dự phòng phí thuần được xác định dựa theo phương trình kinh tế sau: Dự phòng phí thuần = Giá trị hiện tại của tổng trách nhiệm bảo hiểm sẽ phải trả trong tương lai - Giá trị hiện tại của tổng số phí bảo hiểm thuần sẽ thu trong tương lai Ta nhận thấy, dự phòng toán học của nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ kết quả trích lập được, phụ thuộc rất lớn vào hai yếu tố là lãi suất kỹ thuật và bảng tử vong áp dụng khi tính phí.
  5. 5 - Về lãi suất kỹ thuật: Do nhà bảo hiểm thu phí trước trong khoảng thời gian dài nên nhà bảo hiểm đã sử dụng số phí này tiến hành các họat động đầu tư nhằm sinh lợi, lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư cho phép nhà bảo hiểm được giảm phí. Như vậy nhà bảo hiểm phải chắc chắn đầu tư đạt được một mức lãi suất tối thiểu bằng với lãi suất kỹ thuật khi sử dụng để tính phí, nhà bảo hiểm cần phải rất thận trọng khi dự kiến mức lãi suất kỹ thuật, bởi vì nếu sử dụng lãi suất kỹ thuật quá cao thì phí bảo hiểm của công ty sẽ thấp và sản phẩm có tính hấp dẩn, nhưng liền lúc đó trách nhiệm của nhà bảo hiểm đối với khách hàng nặng nề hơn vì nếu công ty đầu tư đạt mức lãi suất thấp hơn lãi suất kỹ thuật thì công ty sẽ không đủ khả năng chi trả khi đến hạn của hợp đồng; còn sử dụng lãi suất quá thấp thì công ty sẽ dễ dàng đầu tư đạt được mức lãi suất thấp này nhưng phí bảo hiểm của sản phẩm sẽ cao, sản phẩm ít tính hấp dẫn và khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Trong trường hợp để cạnh tranh, nâng cao tính hấp dẩn sản phẩm của mình thì các doanh nghiệp chọn mức lãi suất kỹ thuật quá cao, điều này sẽ nguy hiểm vì nếu công ty đầu tư không đạt được mức lãi suất quá cao này thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của từng doanh nghiệp đồng thời còn ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của cả thị trường. - Về bảng tử vong: Hiện nay chỉ riêng Bảo Việt sử dụng bảng tỷ lệ tử vong trên cơ sở số liệu thống kê của dân số Việt Nam, còn các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam lại sử dụng bảng tử vong trên cơ sở số liệu thống kê dân số của nước ngoài. Như ta đã biết, điều kiện kinh tế xã hội, vị thế địa lý của mỗi quốc gia có tác động đến tuổi thọ người dân của nứơc đó, vì vậy việc áp dụng bảng tỷ lệ tử vong của nước này cho một nứơc khác là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia bảo hiểm cũng như của chính các doanh nghiệp bảo hiểm đó. Hơn nữa bảng tỷ lệ tử vong mà hiện nay Bảo Việt đang áp dụng là trên cơ sở số liệu thống kê toàn diện dân số của Việt Nam vào năm 1989, ở thời điểm này và trước đó nền kinh tế Việt Nam chưa có những thành tựu đáng kể về mặt kinh tế, đời sống người dân còn khó khăn, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thọ con người. Trong giai đọan hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân từng bước được nâng cao tất cả điều này đã ảnh hưởng đến tuổi thọ của người dân. Vì vậy Bảng tử vong áp dụng hiện nay tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là không phù hợp nữa. 3. Một số giải pháp hoàn thiện Qua phân tích những điểm còn bất cập cũng như thực tế trích lập dự phòng nghiệp vụ (dự phòng phí và dự phòng toán học) tại các doanh nghiệp bảo
  6. 6 hiểm, bài viết xin đưa ra một số các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trên, góp phần giúp cho Nhà nước có một chế độ quản lý tài chính phù hợp từ đó thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển ổn định. a. Đối vớí dự phòng phí của nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ: Trước hết Bộ tài chính cần xây dựng phương pháp trích lập dự phòng phí mang tính pháp định, đó là dự phòng phí tối thiểu và cho phép các doanh nghiệp được chọn phương pháp trích dự phòng phí khác so với phương pháp này nhưng nếu kết quả thấp hơn thì phải áp dụng theo phương pháp do Bộ tài chính qui định. Để áp dụng phương pháp này, cần phải thống kê được: - Tỉ lệ phí thuần cho từng nghiệp vụ. - Chi phí thiết lập hợp đồng (hoa hồng, ký kết ) - Chi phí quản lý hợp đồng. Giả sử rằng phí bảo hiểm phát hành có giá trị 1 năm, phân bổ đều trong năm thì một nữa thời hạn hiệu lực là của năm nay và một nữa thời hạn hiệu lực là ở năm sau. Do chi phí thiết lập hợp đồng được chi ngay sau khi ký hợp đồng nên:_ Ta xác định tỉ lệ phí chuyển sang năm sau: T% = Dự phòng phí cần lập: Dự phòng phí cần lập = Tổng phí bảo hiểm chuyển sang niên độ sau x Tỉ lệ phí chuyển sang niên độ sau Trong đó: Tổng phí bảo hiểm chuyển sang niên độ sau bao gồm: - Đối với hợp đồng có hiệu lực 1 năm: chuyển sang năm sau toàn bộ phí hiệu lực 1 năm - Đối với hợp đồng có hiệu lực 6 tháng: chuyển sang năm sau phí bảo hiểm của 6 tháng cuối (hợp đồng phát sinh từ tháng 7) - Đối với hợp đồng có hiệu lực 3 tháng: chuyển sang năm sau phí bảo hiểm của 3 tháng cuối (hợp đồng phát sinh từ tháng 10) - Đối với hợp đồng có hiệu lực 1 tháng: chuyển sang năm sau phí bảo hiểm của tháng 12. Tổng phí chuyển sang năm sau cần phải loại trừ những hợp đồng vào cuối năm tài chính đã hết hiệu lực.
  7. 7 Mặt khác, để đảm bảo cho khả năng thanh toán bồi thường không bị lệ thuộc vào nhà nhận tái bảo hiểm, dự phòng phí nên được trích lập dựa trên phí thực thu chứ không phải phí thực giữ lại. Với phương pháp trích lập dự phòng phí trên sẽ đáp ứng mức độ chính xác cao nhất số phí chưa được hưởng tương ứng với thời hạn còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm ở năm sau . b. Đối với dự phòng toán học của nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ - Về lãi suất kỹ thuật: Bộ tài chính cần quản lý lãi suất kỹ thuật của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ do tầm quan trọng của nó ảnh hưởng đến độ lớn của quỹ dự phòng toán học trích lập được. Vấn đề là nên quản lý như thế nào? Theo nguyên tắc thận trọng các doanh nghiệp bảo hiểm chọn mức lãi suất kỹ thuật thấp để có thể đảm bảo thực hiện mức lãi suất đầu tư thực tế lớn hơn mức lãi suất kỹ thuật. Trong trường hợp các doanh nghiệp sử dụng mức lãi suất kỹ thuật thấp để đảm bảo được khả năng chi trả, các doanh nghiệp sẽ tiến hành chia lãi cho các chủ hợp đồng nếu lãi suất đầu tư thực tế lớn hơn mức lãi suất kỹ thuật, lúc này quyền lợi của các chủ hợp đồng vẫn được đảm bảo. Như vậy, Bộ tài chính không cần quản lý mức lãi suất kỹ thuật cụ thể cũng không quản lý mức lãi suất kỹ thuật thấp nhất mà cần quản lý mức lãi suất kỹ thuật cao nhất (còn gọi là lãi suất trần). Mức lãi suất trần này cần căn cứ vào lãi suất huy động của ngân hàng nhà nước, bởi vì đặt trường hợp nếu doanh nghiệp bảo hiểm đem toàn bộ phí bảo hiểm thu được đầu tư hết vào gởi ngân hàng thì lãi suất đầu tư thực tế lúc này đã cao hơn lãi suất kỹ thuật, như vậy đã đảm bảo được hai nguyên tắc quan trọng của đầu tư quỹ bảo hiểm là an toàn và sinh lợi. Vấn đề quản lý này đã được các nước khác áp dụng. Ví dụ như ở Pháp, Luật bảo hiểm qui định lãi suất kỹ thuật của các công ty bảo hiểm nhân thọ nước này không được vượt quá 75% lãi suất huy động tiền gởi của ngân hàng trung ương và không được vượt quá 4,5%. - Về bảng tử vong: Như đã phân tích, bảng tử vong mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sử dụng hiện nay là không phù hợp do bảng tử vong này được xây dựng không dựa vào số liệu thống kê dân số của người dân Việt Nam. Vì vậy Bộ tài chính trong thời gian tới cần có định hướng xây dựng lại Bảng tử vong chuẩn áp dụng cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, bảng tử vong chuẩn này cần dựa vào số liệu thống kê dân số Việt Nam, trên cơ sở đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kết hợp với số liệu thống kê riêng của doanh nghiệp mình để điều chỉnh cho phù hợp.
  8. 8 Kết luận Để đưa ngành bảo hiểm Việt Nam hội nhập vào ngành bảo hiểm thế giới, Nhà nước cần quan tâm và tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm Việt Nam phát triển. Muốn vậy, việc áp dụng một chế độ quản lý tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó qui định về trích lập quỹ dự phòng nghiệp vụ là một việc làm quan trọng. Vì nếu những qui định này phù hợp sẽ đảm bảo được khả năng chi trả của các doanh nghiệp bảo hiểm, tạo được uy tín đối với khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp từ đó tạo động lực thúc đẩy ngành bảo hiểm phát triển. Ngược lại, sẽ làm mất niềm tin của khách hàng, làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành bảo hiểm Việt Nam ª