Một số vấn đề khi ứng dụng mô hình CAMELS trong đánh giá rủi ro hoạt động của các Tổ chức tín dụng

docx 5 trang nguyendu 9860
Bạn đang xem tài liệu "Một số vấn đề khi ứng dụng mô hình CAMELS trong đánh giá rủi ro hoạt động của các Tổ chức tín dụng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxmot_so_van_de_khi_ung_dung_mo_hinh_camels_trong_danh_gia_rui.docx

Nội dung text: Một số vấn đề khi ứng dụng mô hình CAMELS trong đánh giá rủi ro hoạt động của các Tổ chức tín dụng

  1. Một số vấn đề khi ứng dụng mô hình CAMELS trong đánh giá rủi ro hoạt động của các Tổ chức tín dụng Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua và trong tương lai dẫn đến việc thành lập hàng loạt ngân hàng và các chi nhánh mới. Hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro cho hệ thống ngân hàng còn non yếu như: dễ bị phá sản, thiếu vốn để cạnh tranh, thua lỗ và mất thị phần. Do vậy, việc đánh giá dự báo “sức khỏe” các tổ chức tín dụng (TCTD) và đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời luôn là yêu cầu không chỉ dành cho các nhà quản lý, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước ( NHNN) mà còn là việc vô cùng quan trọng đối với các nhà phân tích, đối tác kinh doanh và các nhà đầu tư. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét một số vấn đề liên quan đến mô hình CAMELS thường được áp dụng trong phân tích các TCTD hiện nay. CAMELS có phải là mô hình chuẩn mực duy nhất? Được áp dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước, mô hình CAMELS là hệ thống xếp hạng, giám sát tình hình ngân hàng của Mỹ và được coi là chuẩn mực đối với hầu hết các tổ chức trên toàn thế giới khi đánh giá hiệu quả, rủi ro của các ngân hàng nói riêng và các TCTD nói chung. Mô hình này chủ yếu dựa trên các yếu tố tài chính, thông qua thang điểm để đưa ra kết quả xếp hạng các ngân hàng, từ đó cho nhà quản lý biết “tình hình sức khỏe của các ngân hàng”. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: Mức độ an toàn Vốn (Capital Adequacy), Chất lượng tài sản có (Asset Quality), Quản lý (Management), Lợi nhuận (Earnings), thanh khoản (Liquidity) và Độ nhạy cảm rủi ro đối với thị trường (Sensitivity to Market risk).
  2. Hệ thống phân tích CAMELS đánh giá cụ thể về các vấn đề: An toàn - được hiểu là khả năng của ngân hàng bù đắp được mọi chi phí và thực hiện được các nghĩa vụ của mình. Tiêu chí an toàn được đánh giá thông qua đánh giá mức độ đủ vốn, chất lượng tín dụng (tài sản có) và chất lượng quản lý. Khả năng sinh lời - là việc ngân hàng có thể đạt được một tỷ lệ thu nhập từ số tiền đầu tư của chủ sở hữu hay không. Thanh khoản - là khả năng đáp ứng được mọi nhu cầu về vốn theo kế hoạch hoặc bất thường. Kết quả phân tích, đánh giá trên sẽ giúp các nhà phân tích chia hệ thống TCTD thành 5 nhóm: thừa vốn, đủ vốn, thiếu vốn, thiếu vốn đáng kể và thiếu vốn trầm trọng. Từ đó, các nhà hoạch định và cơ quan quản lý sẽ dự báo, cảnh báo nhóm các TCTD thiếu vốn, và có biện pháp phòng ngừa phá sản cho nhóm “sức khỏe yếu” này. Tuy nhiên, việc đưa ra dự báo kịp thời căn cứ theo báo cáo tài chính của các TCTD tại Việt Nam là việc không đơn giản. Các báo cáo tài chính không thể cung cấp mọi thông tin một cách chính xác, đầy đủ để người phân tích có đủ căn cứ đánh giá mức độ an toàn, khả năng sinh lời và thanh khoản của một TCTD. Do vậy, việc áp dụng mô hình CAMELS thường cho kết quả chưa đầy đủ và không kịp thời để đánh giá “sức khỏe” của một TCTD khi có những yêu cầu cao về độ chuẩn xác, tính kịp thời tại một thời điểm để đưa ra các quyết định, đặc biệt trong giai đoạn ngành tài chính - ngân hàng nước ta đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như hiện nay. Một minh chứng rõ nét cho việc áp dụng các đánh giá thông thường dựa trên phân tích báo cáo tài chính không giúp nhiều cho việc phát hiện sớm “thể trạng” yếu kém của các TCTD, điển hình như hàng loạt vụ sụp đổ của các ngân hàng lớn trong những năm gần đây như Lehman Brothers,Washington Mutual (năm 2008). Tại nước ta, trong năm 2010 và 2011 nhiều tổ chức rơi vào tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng, kết quả cuối năm 2011, một số ngân hàng phải sáp nhập, hợp nhất (Ba ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn và Tín nghĩa Ngân hàng đã hợp nhất và chính thức hoạt động dưới tên NH TMCP Sài Gòn kể từ 01/01/2012) và chịu sức ép tái cấu trúc lại để phù hợp với xu hướng hiện tại. Tất cả những vẫn đề trên đã không được phản ánh và cảnh báo sớm thông qua các kênh dự báo, phân tích thông thường.
  3. Trước thực tế trên, việc cần làm là phải kết hợp phân tích theo mô hình CAMELS với những đánh giá định tính của ngân hàng để có thể có các kết quả phân tích một cách kỹ lưỡng, chính xác và kịp thời hơn. Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã tiên phong trong việc điều chỉnh hệ thống phân tích, đánh giá các TCTD trên cơ sở của mô hình CAMELS bằng cách bổ sung thêm các yếu tố phi tài chính vào hệ thống phân tích. Điển hình trong số đó là Nhật Bản. Trước năm 2007, Nhật Bản vẫn sử dụng kết quả đánh giá theo mô hình CAMELS và báo cáo xếp hạng tín dụng nội bộ của các tổ chức độc lập như: Moody’s, S&P, Fitch, làm căn cứ đánh giá, dự báo tình trạng của các tổ chức tín dụng. Sau năm 2007, nhận rõ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tác động đến hệ thống ngân hàng qua bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn ở Thái Lan 1997, Nhật Bản đã xây dựng mô hình xếp hạng ngân hàng FIRST một cách đầy đủ và toàn diện hơn, xét trên 10 yếu tố thiên về quản lý (phi tài chính) như: Quản lý kinh doanh, tuân thủ pháp luật, quản lý bảo vệ khách hàng, quản lý rủi ro toàn diện, quản lý vốn, Mô hình FIRST với trọng tâm quản lý, xếp hạng TCTD về quản lý có tốt hay không và mục đích là đưa ra các cơ chế để TCTD phấn đấu, làm tốt hơn, quản lý hiệu quả hơn. Như vậy, mô hình CAMELS của Mỹ thiên về các yếu tố tài chính, tập trung vào phân tích, thanh tra để đưa ra dự báo rõ ràng cho ngân hàng và biện pháp phòng ngừa, tuy nhiên đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, trong khi đó mô hình FIRST của Nhật Bản lại thiên về yếu tố phi tài chính mang tính khích lệ những nỗ lực của ngân hàng để cải thiện công tác quản trị điều hành, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cảnh báo nêu ra. Ứng dụng mô hình CAMELS thế nào để mang lại hiệu quả tối ưu? Bài toán dành cho các nhà quản trị rủi ro. Không thể cho rằng việc áp dụng mô hình CAMELS là không còn phù hợp và không cảnh báo được sự yếu kém hay khả năng sụp đổ của hệ thống ngân hàng.
  4. Tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ áp dụng mô hình CAMELS để phân tích thì bức tranh đầy đủ về “sức khỏe” các TCTD sẽ chưa thực sự được rõ nét. Mà trong phân tích các TCTD theo phương pháp hiện đại, ngoài nền tảng cơ bản là các yếu tố tài chính từ kết quả của mô hình CAMELS, cần bổ sung các yếu tố phi tài chính, các yếu tố xuất phát từ quan hệ với đối tác kinh doanh để có cái nhìn toàn diện. Đối với các TCTD nước ta, từ điểm yếu trọng tâm là thiếu vốn của những năm 2007, 2008 nằm trong dự báo của mô hình CAMELS, đến nay, các vấn đề nổi cộm lại nằm ở nợ xấu gia tăng, sự mất cân đối trong cơ cấu tín dụng và tập trung quá nhiều trong lĩnh vực bất động sản. Đây là những vấn đề mà mô hình CAMELS chưa phản ánh được. Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, thấp thoáng đã thấy những ngân hàng sẽ phải chịu hậu quả với quả bóng bất động sản xì hơi do những yếu kém trong hệ thống quản trị rủi ro của mình, quá thiên về lợi nhuận mà không chú ý đến công tác rủi ro, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề phù hợp, chính là vấn đề của của việc chưa kết hợp được yếu tố tài chính và phi tài chính trong quản trị rủi ro ngân hàng. Hiện tại, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, bất lợi cho hoạt động của ngành ngân hàng nước ta. Theo một báo cáo đăng trên website của NHNN Việt Nam, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế nói chung và ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng chính là sự “thất bại” cơ quan giám sát tài chính trong việc điều tiết, giám sát và quản lý rủi ro hệ thống. Các cơ quan này đang thiếu một công cụ có thể phản ánh đầy đủ tình trạng của các TCTD, đó chính là hệ thống đánh giá rủi ro toàn diện ngân hàng (Comprehensive bank risk assessment systems) đã được áp dụng tại nhiều nước phát triển. Như vậy, đây là lúc các ngân hàng cần định hình lại công tác quản trị và quản trị rủi ro sẽ là một trong những trụ cột chính trong tái cơ cấu ngân hàng. Nhiệm vụ trọng tâm của nhà quản trị rủi ro trong giai đoạn này là lựa chọn mô hình quản trị rủi ro phù hợp, kết hợp được các yếu tố tài chính và phi tài chính nhằm đánh giá toàn diện rủi ro, nguồn lực và đưa ra cảnh báo xu hướng rủi ro trong tương lai. Thay cho lời kết, chúng tôi muốn mượn lời của bà Sakamaki Tsuzuri – Chuyên gia tư vấn Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân
  5. hàng Việt Nam để gửi tới các nhà quản trị rủi ro tại các TCTD. Theo đó, bà Sakamaki Tsuzuri đã có gợi ý rằng, đối với nền kinh tế nhỏ đang tăng trưởng nhanh như Việt Nam, hệ thống ngân hàng cũng phát triển mạnh. Do đó rất cần việc quản lý hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, đan xen giữa mục tiêu phòng ngừa phá sản của CAMELS, và đưa ra cơ chế để các ngân hàng chủ động phát triển lành mạnh, bền vững của FIRST nhằm mang lại hiệu quả hoạt động tốt nhất và bền vững nhất. (Nguyễn Lê Thành - PVFC) PVFC/Mot_so_van_de_khi_ung_dung_mo_hinh_CAMELS_trong_danh_gia_rui_r o_hoat_dong_cua_cac_To_chuc_tin_dung/