Kế toán ngân hàng - Hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam trên con đường hội nhập với các thông lệ quốc tế

pdf 15 trang nguyendu 4090
Bạn đang xem tài liệu "Kế toán ngân hàng - Hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam trên con đường hội nhập với các thông lệ quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfke_toan_ngan_hang_he_thong_ke_toan_va_kiem_toan_viet_nam_tre.pdf

Nội dung text: Kế toán ngân hàng - Hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam trên con đường hội nhập với các thông lệ quốc tế

  1. HỆ THỐNG KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIỆT NAM TRÊN CON ĐƯỜNG HỘI NHẬP VỚI CÁC THÔNG LỆ QUỐC TẾ Vũ Hữu Đức (Bộ môn Kiểm toán) Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt nam đồng thời là quá trình thực hiện chính sách mở cửa. Do đó, một trong những khía cạnh quan trọng của quá trình phát triển hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam trong nền kinh tế thị trường là vấn đề hội nhập với các thông lệ quốc tế. Những thành tựu đạt được trong hơn mười năm qua rất đáng trân trọng nhưng cũng cần nhìn lại và suy ngẫm để có những hướng đi đúng đắn trong tương lai. Bài viết này gồm hai nội dung chính: • Phác thảo bức tranh tổng quan về quá trình hòa hợp quốc tế về kế toán và kiểm toán để nhìn nhận đúng bản chất của chúng. • Phân tích quá trình chuyển đổi của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam trong những năm qua để đánh giá những kết quả đạt được và gợi mở các phương hướng phát triển trong tương lai. TOÀN CẦU HÓA VÀ YÊU CẦU HÒA HỢP VỀ KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN Quá trình toàn cầu hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh chóng vào những năm cuối của thế kỷ 20, bất chấp những bất đồng quan điểm về lợi ích của nó. Trong rất nhiều các khía cạnh của quá trình này, một vấn đề được sự quan tâm của các nhà kế toán là sự phát triển nhanh chóng của thị trường vốn quốc tế. Một tính toán cho thấy trong vòng 12 năm từ 1987 đến 1999, tổng vốn trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng lên gấp 4 lần, từ 8.000 tỷ USD lên đến 30.200 tỷ USD [9, trang 19]. Quá trình này dẫn đến yêu cầu phải nâng cao chất lượng của thông tin tài chính, để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư và thị trường chứng khoán trên thế giới. Một hệ thống chuẩn mực kế toán "chuẩn" là yêu cầu cần thiết được đặt ra trước tình trạng các báo cáo tài chính lập theo các chuẩn mực khác nhau cho các kết quả khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Năm 1993, Daimer Benz, công ty sản xuất hàng đầu của Đức và là công ty đầu tiên của nước này đăng ký chứng khoán tại Thị trường chứng khoán New York, đã buộc phải chấp nhận các yêu cầu khai báo theo chuẩn mực kế toán Mỹ. Điều thú vị là trong khi thông báo cho các nhà đầu tư Đức rằng trong năm 1992, Daimer Benz có lợi nhuận 615 triệu DM (theo chuẩn mực kế toán Đức), các nhà quản lý của Daimer Benz thông báo cho các nhà đầu tư Hoa kỳ là công ty lỗ 1.839 triệu DM trong năm 1992 (theo chuẩn mực kế toán Mỹ) [7, trang 17]. Để bảo đảm lợi ích của các bên trong quá trình đầu tư, vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ phải chuẩn hóa chất lượng thông tin mà còn phải chuẩn hóa các quy trình kiểm tra tính trung thực của thông tin. Vì vậy, việc đưa ra các chuẩn mực "chuẩn" trong lĩnh vực 1
  2. kiểm toán cũng trở thành một yêu cầu bức thiết. Các nhà đầu tư không chỉ muốn các báo cáo tài chính được lập trên cùng một tiêu chuẩn mà còn muốn chúng được kiểm toán trên cùng một mặt bằng chất lượng. Quá trình hòa hợp về kế toán và kiểm toán trên thế giới Quá trình hòa hợp diễn ra ở cả hai mức độ : khu vực và thế giới, ở cả hai tuyến: chính phủ và phi chính phủ với sự can thiệp của các tổ chức trong và ngoài nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Hình 1 mô tả các tổ chức tham gia quá trình này. Những thành tựu của quá trình hòa hợp quốc tế Không phải quá trình hòa hợp nào cũng thành công. Trong hơn ba mươi năm qua, những trường hợp đạt được những thành tựu đáng kể bao gồm : Sự hòa hợp ở châu Âu với vai trò trung tâm là Liên minh châu Âu (EU). Chỉ thị số 4 (1978) của Ủy ban châu Âu quy định các nguyên tắc kế toán cơ bản cho các công ty riêng lẻ và đưa ra một biểu mẫu chuẩn cho Bảng cân đối kế toán và Báo caó kết quả hoạt động kinh doanh. Chỉ thị số 7 (1983) thiết lập các cơ sở chung của việc trình bày báo cáo tài chính của tập đoàn. Những quy định trên không chỉ được chấp nhận trong các nước thành viên EU mà còn của nhiều quốc gia châu Âu khác.Quá trình hòa hợp châu Âu với sự tham gia của các chính phủ đã tạo được một khuôn khổ chung cho hệ thống kế toán và kiểm toán của châu Âu. Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) với sự hòa hợp về các chuẩn mực kế toán trên phạm vi toàn thế giới. Từ 10 thành viên đầu tiên năm 1973, đến nay IASC đã có hơn 153 thành viên ở 112 quốc gia trên thế giới. IASC đã ban hành được 40 chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS). Các IAS được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng như chuẩn mực quốc gia hoặc sử dụng làm cơ sở để soạn thảo chuẩn mực quốc gia (Hình 2). Nhiều thị trường chứng khoán cũng đã chấp nhận các báo cáo tài chính được lập trên cơ sở IAS mà không cần chỉnh hợp như : Luân Đôn, Frankfuct, Zurich, Thái Lan, Hong Kong, Amsterdam, Rome và Malaysia [7, trang 16]. Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) với việc ban hành các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (thông qua IAPC-Ủy ban thông lệ kiểm toán quốc tế). Từ năm 1983, các thành viên của IFAC cũng đồng thời là các thành viên của IASC. Đến nay, IAPC - một ủy ban của IFAC đã ban hành được 37 chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA) và các chuẩn mực này cũng được chấp nhận rộng rãi trên thế giới bởi nhiều quốc gia và thị trường chứng khoán. Theo một nghiên cứu của IAPC tiến hành năm 1998, trong 67 quốc gia trả lời có 18 quốc gia sử dụng ISA làm chuẩn mực quốc gia, 28 quốc gia không có khác biệt chủ yếu giữa chuẩn mực quốc gia và ISA, 9 quốc gia có một vài khác biệt trọng yếu chủ yếu liên quan đến báo cáo kiểm toán và 10 quốc gia không nêu được có khác biệt hay không [9, trang 19]. 2
  3. Hình 1: Các tổ chức tham gia và liên quan đến quá trình hòa hợp quốc tế về kế toán và kiểm toán Các tổ chức thị trường chứng khoán và Các tổ chức nghề nghiệp (phi chính phủ) phân tích tài chính Quốc tế IOSCO Tổ chức quốc tế các Ủy IFAC Liên đoàn kế toán quốc tế ban chứng khoán IASC Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế IAAER Hiệp hội quốc tế về đào tạo và nghiên EASDAQ Hiệp hội châu Âu các thị cứu kế toán trường chứng khoán OTC G4 +1 Mỹ, Anh, Australia và Canada (+New EFFAS Liên đoàn châu Âu các tổ Zealand) chức phân tích tài chính Khu vực FEAS Liên đoàn các thị trường ECSAFA Liên đoàn kế toán Tây, Trung và chứng khoán Âu - Á Nam Phi ICCFAA Ủy ban hợp tác quốc tế các AAC Hội đồng kế toán Châu Phi Hòa hợp quốc tổ chức phân tích tài chính AFA Hiệp hội kế toán các quốc gia tế về kế toán ASEAN và kiểm toán CAPA Diễn đàn kế toán châu Á - Thái Bình Dương Các tổ chức chính phủ FEE Liên đoàn kế toán châu Âu EU Liên minh châu Âu NFA Liên đoàn kế toán Bắc Âu OECD Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ASCA Hiệp hội kế toán Ả rập IAAA Hội kế toán Liên Mỹ ISAR Tiểu ban liên chính phủ các chuyên CCA Diễn đàn kế toán Caribbe gia chuẩn mực quốc tế về kế toán và báo cáo tài chính 3
  4. Hình 2: Tình hình sử dụng IAS tại 67 quốc gia thuộc IASC. 1. IAS được sử dụng như chuẩn mực quốc gia với những tư liệu giải thích bổ sung (8 quốc gia) Croatia, Cyprus, Kuwait, Latvia, Malta, Oman, Pakistan, Trinidad và Tobago. 2. ISA được dùng như chuẩn mực quốc gia với các chuẩn mực quốc gia được soạn riêng cho những vấn đề chưa được đề cập trong IAS (2 quốc gia) Malaysia, Papua New Guinea. 3. IAS được sử dụng như chuẩn mực quốc gia với một số trường hợp điều chỉnh theo đặc điểm của quốc gia (14 quốc gia) Albania, Bangladesh, Barbados, Columbia, Jamaica, Jordan, Kenya, Poland, Sudan, Swaziland, Thailand, Uruguay, Zambia, Zimbabwe. 4. Không có chuẩn mực quốc gia, các IAS không được thừa nhận chính thức nhưng thường được sử dụng (2 quốc gia) Botswana, Lesotho 5. Các chuẩn mực kế toán quốc gia được phát triển độc lập nhưng dựa trên và tương đồng với các IAS liên quan, chuẩn mực quốc gia thường chỉ cung cấp các đoạn tư liệu giải thích bổ sung (5 quốc gia) Trung quốc, Iran, Philippines, Slovenia, Tunisia. 6. Các chuẩn mực kế toán quốc gia được phát triển độc lập nhưng dựa trên và tương đồng với các IAS liên quan, tuy nhiên các chuẩn mực quốc gia có thể cung cấp thêm hay bớt các lựa chọn so với IAS (17 quốc gia) Brazil, Czech, Pháp, Ấn Độ, Ireland. Lithuania, Mauritius, Mexico, Namibia, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Singapore, Slovak, Nam Phi, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ. 7. Tương tự như mục 6 nhưng mỗi chuẩn mực có một đoạn so sánh giữa chuẩn mực quốc gia đó với IAS liên quan (7 quốc gia) Australia, Đan mạch, Hồng Kông, Ý, New Zealand, Thụy Điển. 8. Chuẩn mực quốc gia được phát triển hoàn toàn độc lập (11 quốc gia) Áo, Bỉ, Canada, Phần Lan, Đức, Nhật, Hàn quốc, Luxembourg, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ. 9. Không có chuẩn mực quốc gia tại thời điểm hiện tại (1 quốc gia) Rumania Nguồn : IASC Insight, October 1997, trang 15. 4
  5. Những thách thức còn đặt ra Nếu sự hòa hợp giữa các quốc gia châu Âu diễn ra khá suôn sẻ thì quá trình hòa hợp ở mức độ quốc tế vấp phải phải nhiều trở ngại hơn vì phạm vi rộng và tính chất phi chính phủ của chúng. Mặc dù đã vượt qua những nghi ngại ban đầu, sự thành công của quá trình hòa hợp quốc tế vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục. Những thách thức còn đang đặt ra cho quá trình này là: Đối với các chuẩn mực kế toán quốc tế Quan hệ giữa tổ chức nghề nghiệp và đối tượng sử dụng thông tin. Trong trường hợp này, đối tượng chủ yếu là các Ủy ban chứng khoán. Quá trình hình thành những IAS ban đầu cho phép nhiều lựa chọn trong việc áp dụng các phương pháp kế toán đã dẫn đến các chuẩn mực này không có ảnh hưởng đáng kể đến các chuẩn mực quốc gia và không bảo đảm chất lượng cho báo cáo tài chính. Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO), người có ảnh hưởng rất lớn đến việc chấp nhận IAS của các thành viên của mình trên toàn thế giới, đã yêu cầu IASC phải giảm bớt sự cho phép lựa chọn nói trên. Năm 1989, IASC đã tiến hành một dự án (E32) rà soát lại toàn bộ các IAS theo hướng này. Dự án đã thành công ở mức độ nhất định và sau đó năm 1995, IASC và IOSCO đã có một thỏa thuận mới về việc hình thành một hệ thống chuẩn mực chuẩn (core standards) để bảo đảm các báo cáo tài chính lập theo IAS sẽ có thể sử dụng xuyên quốc gia. Hiện nay, chỉ một số IAS được IOSCO chấp nhận. Quan hệ giữa các quốc gia Anglo-Saxon và các quốc gia không phải Anglo-Saxon. Các nghiên cứu trên một số IAS, cho thấy các IAS chịu ảnh hưởng rất lớn của kế toán Anglo-Saxon, mà cơ bản là Anh và Mỹ [3]. Các quốc gia không phải Anglo- Saxon không có ảnh hưởng đáng kể đến các IAS nhưng họ vẫn chấp nhận vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân muốn né tránh sự thống trị của Mỹ về mặt kế toán [5, trang 127]. Quan hệ giữa IASC và Mỹ. Mỹ là một quốc gia có hệ thống chuẩn mực kế toán phát triển và có các thị trường chứng khoán khổng lồ. Vai trò của Mỹ trong lĩnh vực kế toán được hậu thuẫn bởi vai trò của Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) trong IOSCO. Xét trong từng thị trường chứng khoán, thì IAS đã được chấp nhận tại các thị trường chứng khoán tại châu Âu và các quốc gia Đông Nam Á. Các thị trường chứng khoán chưa chấp nhận là Nhật, Canada và Mỹ. Nhật và Canada gần đây đã có những chuyển biến tích cực và trở ngại chính là Mỹ [8, trang 132]. Theo Ủy ban chuẩn mực kế toán tài chính của Mỹ (FASB), có 255 điểm khác biệt giữa ISA và các nguyên tắc kế toán được chấp nhận phổ biến của Mỹ [7, trang 17]. 5
  6. Quan hệ giữa IAS với các quốc gia đang phát triển. Một nghiên cứu về kế toán tại các quốc gia đang phát triển cho thấy không phải quốc gia nào cũng thuận lợi trong việc chấp nhận các IAS. Các quốc gia chấp nhận dễ dàng các IAS là các quốc gia: - Từng là thuộc địa của Anh như Bangladesh, Pakistan, Malaysia, Srilanca, Zimbabue, - Một số quốc gia nhỏ thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây như Croatia, Estonia, Ukraina, Slovakia Các quốc gia đang phát triển khác không thuận lợi khi áp dụng các IAS là các thuộc địa cũ của Pháp và Tây ban nha hoặc các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây nhưng chịu ảnh hưởng sâu xa của Pháp hoặc Đức từ trước Thế chiến thứ 2 [6, trang 13-15 ]. Nobes (1998) đã có rằng những nhân tố chủ yếu lý giải cho điều này là: • Sự phát triển của công ty cổ phần và thị trường chứng khoán là một nhân tố thuận lợi cho việc áp dụng các IAS vào hệ thống kế toán của quốc gia vì các IAS được xây dựng cho người sử dụng thông tin chủ yếu là các nhà đầu tư. • Sự phát triển của nghề nghiệp kiểm toán và các tổ chức nghề nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận với các thông lệ quốc tế. • Ảnh hưởng của Thuế đến kế toán nếu mạnh sẽ cản trở quá trình áp dụng các IAS vào hệ thống kế toán vì các IAS không đặt nặng việc cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế. Đối với Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Quá trình hình thành và phát huy ảnh hưởng của các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA) gặp nhiều thuận lợi hơn các IAS, bởi vì: - Chất lượng của dịch vụ kiểm toán (đối tượng của chuẩn mực kiểm toán) so với chất lượng của thông tin tài chính (đối tượng của chuẩn mực kế toán) là một vấn đề ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, pháp lý và văn hóa hơn. - Phạm vi tác động của chuẩn mực kiểm toán hẹp hơn so với chuẩn mực kế toán, nói như John Carrey (1969) :" Ngược với những rối rắm trong quá trình phát triển các nguyên tắc kế toán, việc ban hành những hướng dẫn có thẩm quyền về kiểm toán độc lập lại diễn ra một cách ổn định và trật tự. Một lý do không thể nghi ngờ là: phạm vi và sự đầy đủ của các cuộc kiểm toán thì hoàn toàn thuộc về trách nhiệm kiểm toán viên trong khi các nhà quản lý, các kiểm toán viên và các tổ chức lập quy cùng nhau chia sẻ trách nhiệm đối với những điều trình bày trên báo cáo tài chính" [1, trang 145]. - Quá trình hình thành các chuẩn mực kiểm toán quốc tế ít mang tính "thỏa hiệp" hơn quá trình hình các chuẩn mực kế toán quốc tế, như Klaassen J. và Buisman 6
  7. J. nhận xét: " Các đại diện [trong IAPC] được các tổ chức thành viên đề cử nhưng họ không được phép bỏ phiếu theo chỉ đạo của các tổ chức thành viên. Họ được yêu cầu làm việc và bỏ phiếu để đạt được các chuẩn mực tốt nhất của nghề nghiệp kiểm toán trên phạm vi toàn thế giới." [5, trang 451]. Tuy nhiên, những thách thức vẫn tồn tại đối với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế là: - Sự khác biệt về các điều kiện kinh tế, pháp lý và văn hóa của các quốc gia. Sự khác biệt này không ảnh hưởng đến những chuẩn mực kỹ thuật nhưng ảnh hưởng lớn đến những chuẩn mực về tính độc lập của kiểm toán viên, tính cưỡng chế của chuẩn mực - Sự khác biệt về hệ thống kế toán của các quốc gia sẽ đe dọa dẫn đến tình trạng một chuẩn mực kiểm toán thống nhất trên phạm vi toàn thế giới có thể áp dụng cho quốc gia này nhưng không thể áp dụng cho những quốc gia khác. - Sự hoài nghi về khả năng tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ về kiểm toán tại các quốc gia đang phát triển và khả năng vận dụng các chuẩn mực quốc tế tại các quốc gia này do sự chênh lệch về trình độ nghiệp vụ của kiểm toán viên tại các quốc gia này. Bản chất của quá trình hòa hợp quốc tế về kế toán và kiểm toán Quá trình phân tích trên cho thấy: 1. Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng quá trình hòa hợp quốc tế chỉ đơn thuần là một quá trình đi tìm các chuẩn mực lý tưởng cho thế giới. Quá trình hòa hợp cho đến nay vẫn là cuộc đấu tranh để giành vị trí của các hệ thống kế toán và kiểm toán tiên tiến trên thế giới dựa trên sức mạnh của tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc gia, mà đằng sau là tiềm lực kinh tế và thị trường chứng khoán của quốc gia đó. 2. Sẽ sai lầm nếu hy vọng một chuẩn mực chung sẽ cho phép cộng lại các thông lệ giữa các quốc gia. Quá trình hòa hợp kiểu này chỉ diễn ra trong những bước đầu. Khi phát triển đến một mức nào đó các lựa chọn sẽ phải siết lại và phần thắng thuộc về kẻ mạnh hơn. Thí dụ, các chuẩn mực kế toán quốc tế được cải tiến của IASC cho thấy phần thắng thuộc về Mỹ bởi vì các quốc gia châu Âu không tìm được một sự thống nhất đủ mạnh để đối trọng, nhưng Mỹ vẫn chưa hài lòng với kết quả này. 3. Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng quá trình hòa hợp sẽ giúp cho các nước đang phát triển có ngay được các chuẩn mực tiên tiến mà không tốn kém chi phí nghiên cứu. Quá trình hòa hợp không đơn giản là việc ban hành các chuẩn mực kế toán và kiểm toán phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Vấn đề là các chuẩn mực "nhập khẩu" này có thực sự đi vào cuộc sống không. Đối với các chuẩn mực kế toán, phải bảo đảm chúng đáp ứng yêu cầu thông tin và kiểm soát của mỗi quốc gia. Đối với các chuẩn mực kiểm toán, phải bảo đảm chúng phù hợp với hệ thống pháp lý và tập quán kinh doanh cũng như trình độ đội ngũ kiểm toán viên 7
  8. của quốc gia. Để đạt được các yêu cầu trên, các nước đang phát triển phải bỏ ra chi phí để tiếp cận với khối lượng kiến thức khổng lồ về kế toán và kiểm toán mà các quốc gia phát triển đã hình thành trong hàng trăm năm qua, đồng thời áp dụng các hiểu biết đó vào thực tiễn quốc gia mình. Chi phí này rất lớn vì nó liên quan đến toàn bộ đội ngũ các kế toán viên và kiểm toán viên của quốc gia. 4. Quá trình hòa hợp là quá trình các quốc gia yếu thế hơn phải tìm cách bảo vệ mình trong dòng chảy chung. Xu thế hòa hợp là tất yếu nhưng các quốc gia yếu thế hơn phải vừa chấp nhận hòa hợp vừa bảo vệ trong chừng mực có thể những đặc điểm của quốc gia mình. Điều này mặc dù bị một số người phê phán là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi (Nobes C.) [5, trang 120] nhưng đó là một giải pháp cần thiết để bảo đảm sự ổn định của một quốc gia: - Trên thực tế, các quốc gia thuộc trường phái kế toán châu Âu lục địa vẫn bảo lưu những quan điểm riêng trong hệ thống kế toán của mình dù vẫn tham gia tích cực quá trình xây dựng các chuẩn mực quốc tế. Trong con mắt của các nhà kế toán Đức hoặc Ý, IASC được xem như một "con ngựa thành Troie", che giấu những kẻ thù kế toán Anglo-Saxon và được ngụy trang bên ngoài bằng bề ngoài "quốc tế", đe dọa phá hoại hệ thống kế toán truyền thống của châu Âu lục địa [5, trang 127]. - Các quốc gia đang phát triển hoặc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa cũng thận trọng hơn khi tiếp cận với quá trình hòa hợp. Cheung L.K. (1996) cho biết sự hào hứng nghiên cứu và thừa nhận các chuẩn mực và thông lệ kế toán Phương Tây của những năm đầu mở cửa của Trung quốc đã thay đổi trong những năm gần đây. Cheung cũng cho rằng mặc dù không thể "nuốt trọn" các chuẩn mực quốc tế nhưng cũng khó mà xem lý thuyết hay chuẩn mực nào là thích hợp với môi trường kinh tế xã hội Trung quốc. Cheung đề nghị khi xem xét lựa chọn các chuẩn mực quốc tế để áp dụng vào Trung quốc cần phải lưu ý: + Học tập kinh nghiệm nhiều quốc gia thay vì chỉ từ một quốc gia. + Tìm hiểu về nguồn gốc mà các chuẩn mực kế toán ra đời và đặc biệt quan tâm đến môi trường chính trị và pháp lý liên quan. + Lưu ý đến các phản ứng của xã hội trước việc chấp nhận các kinh nghiệm của nước ngoài [2, trang 19-20]. SỰ LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM TRÊN CON ĐƯỜNG HỘI NHẬP VỚI THÔNG LỆ QUỐC TẾ Quá trình cải cách và hội nhập của hệ thống kế toán và kiểm toán tại Việt nam trong những năm vừa qua Sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt nam năm 1986, Việt nam bước đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời với việc thực hiện chính sách mở cửa. Quá trình này cũng đồng thời là quá trình đổi mới hệ thống kế 8
  9. toán và kiểm toán Việt nam theo hướng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập với thông lệ quốc tế. Giai đoạn 1986-1990 Trong giai đoạn này, hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam có những đổi mới nhất định trong khuôn khổ của những chính sách cải cách kinh tế thời kỳ này, đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh kế toán thống kê 1988, Điều lệ tổ chức kế toán nhà nước 1989 và Hệ thống tài khoản kế toán thống nhất 1990. Đặc điểm của quá trình đổi mới hệ thống kế toán và kiểm toán thời kỳ này là đáp ứng yêu cầu đổi mới doanh nghiệp nhà nước từ chế độ bao cấp sang tự chủ tài chính hơn là đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Yếu tố hội nhập với thông lệ quốc tế còn rất mờ nhạt, tuy nhiên có thể thấy "phảng phất" một số ảnh hưởng của hệ thống kế toán Pháp trong giai đoạn này: 1. Phương pháp đánh số hệ thống tài khoản kế toán Việt nam ban hành năm 1990. 2. Kết cấu Bảng Tổng kết tài sản và nhất là Báo cáo kết quả kinh doanh trong Hệ thống báo cáo kế toán ban hành theo Quyết định 224 TC/CĐKT ngày 18.4.1990 của Bộ tài chính. Những ảnh hưởng này xuất phát từ quá trình tiếp cận kế toán Pháp của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và lập quy Việt nam vào những năm 1989-1990. Các tài liệu về kế toán Pháp được biên dịch và xuất bản vào thời gian này [4]. Việc lựa chọn Pháp có lẽ xuất phát từ ảnh hưởng sâu đậm của quốc gia này trong lịch sử Việt nam và những quan hệ quốc tế trong giai đoạn đầu cải cách này. Giai đoạn 1991-1995. Chính sách đổi mới trong giai đoạn này hướng về việc sắp xếp lại Doanh nghiệp nhà nước bắt đầu từ Nghị định 388/HĐBT của Chính phủ ngày 20.11.1991 theo hướng giảm bớt số lượng nhưng nâng cao chất lượng hoạt động các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế khác cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này đã góp phần tạo ra một nền kinh tế thị trường Việt nam đầy đủ hơn so với giai đoạn trước. Điều này tạo ra một sức ép phải đổi mới hệ thống kế toán Việt nam cho phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thị trường Việt nam. Luật đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam trong giai đoạn này. Việc cho phép các doanh nghiệp này sử dụng các hệ thống kế toán khác với hệ thống Việt nam đã mở rộng tầm nhìn của các nhà nghiên cứu và lập quy Việt nam đến các quốc gia khác trên thế giới và các chuẩn mực quốc tế. Kế toán Mỹ, dưới nhiều hình thức khác nhau, bắt đầu được quan tâm bởi các chuyên gia kế toán Việt nam. Kết quả của các yếu tố trên là sự ra đời của Hệ thống kế toán doanh nghiệp 1996 sau một năm áp dụng hệ thống thử nghiệm trong một số bộ phận của nền kinh tế. Vấn đề hòa hợp với các thông lệ quốc tế được đặt ra chính thức như một yêu cầu của cải cách hệ thống kế toán vì Việt nam bắt đầu tham gia vào nhiều hoạt động 9
  10. quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, sự hòa hợp này không dựa trên các chuẩn mực quốc tế vì trong giai đoạn này Việt nam chưa có các chuyên gia nghiên cứu về các IAS. Những thay đổi của kế toán Việt nam theo thông lệ quốc tế trong giai đoạn này tiếp tục một số ảnh hưởng của kế toán Pháp (hệ thống tài khoản .) đồng thời đưa và một số vấn đề dựa trên các giáo trình kế toán Mỹ được sử dụng phổ biến ở Việt nam (thuê tài chính, báo cáo lưu chuyển tiền tệ ). Các giáo trình này thực sự chỉ dừng lại ở mức độ nguyên lý chứ chưa phải là một hệ thống kế toán Mỹ đúng nghĩa, vốn rất chi tiết để phục vụ cho một thị trường chứng khoán phát triển 1. Một điểm cần ghi nhận là trong thời gian này hoạt động kiểm toán độc lập Việt nam bắt đầu hình thành (1991) và Quy chế về hoạt động kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân đã được ban hành theo một Nghị định của Chính phủ năm 1994. Hoạt động kiểm toán nhà nước cũng hình thành với cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Quy chế hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Giai đoạn 1996 đến nay Điểm nổi bật của giai đoạn này là Dự án Trợ giúp Kỹ thuật cho Việt Nam của Liên minh châu Âu (gọi tắt là EUROTAPVIET) về kế toán và kiểm toán, bắt đầu từ tháng 9.1995 và kết thúc vào tháng 8.1998. Dự án này đã giúp cho các nhà lãnh đạo kế toán Việt nam hiểu về các thông lệ kế toán quốc tế và trang bị một khối lượng kiến thức nhất định về kế toán và kiểm toán của nền kinh tế thị trường [10, trang 174]. Với sự hỗ trợ của Dự án này, Việt nam đã ban hành được một số chuẩn mực kiểm toán Việt nam và đang chuẩn bị một số chuẩn mực kế toán Việt nam. Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam có nội dung khá tương đồng với các chuẩn mực quốc tế. Quá trình hòa hợp của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam đã chuyển sang một bước mới, với sự nhận thức được mở rộng ra phạm vi thế giới hơn là chỉ gói gọn trong một vài quốc gia. Trong lĩnh vực kiểm toán, giai đoạn này cũng ghi dấu sự hình thành Quy chế kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp nhà nước, đánh dấu một bước trong hình thành hệ thống kiểm toán Việt nam, bao gồm kiểm toán độc lập, nhà nước và nội bộ. Phương hướng hội nhập của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam vào thông lệ quốc tế trong giai đoạn hiện nay Quá trình hội nhập với thông lệ quốc tế trong những năm qua của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam đã đạt được những thành tựu nhất định, mà điều quan trọng nhất là giúp cho các chuyên gia Việt nam từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, vốn không phải là một môi trường đồng nhất mà trái lại tồn tại nhiều khuynh hướng trái ngược nhau. Những tìm kiếm trong giai đoạn đầu tuy có vẻ “mò mẫm” nhưng là tất yếu để chúng ta có những hiểu biết ngày nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện 1 Ở Mỹ, chỉ các công ty cổ phần công cộng có số vốn ở một mức nhất định mới phải thực hiện kế toán theo yêu cầu của Ủy ban giao dịch chứng khoán. 10
  11. tại cần phải có những cái nhìn mới để có thể xác định đúng phương hướng phát triển hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam trong những năm tới. Dưới đây là một số ý kiến cá nhân chung quanh vấn đề này. Cần xác định một chiến lược cho quá trình hội nhập Bản chất của quá trình hòa hợp như đã phân tích đòi hỏi một sự tỉnh táo trong lựa chọn bước đi của mỗi quốc gia sao cho vẫn giữ được sự ổn định và phát triển trong quốc gia mình mà không tách rời dòng chảy quốc tế. Điều này đặc biệt khó khăn ở các quốc gia đang phát triển có môi trường kinh tế xã hội không gần gũi với các quốc gia Anglo-Saxon. Việt nam nằm trong trường hợp này. Theo chúng tôi, một chiến lược thích hợp cho quá trình hội nhập là chủ động và thận trọng. Chủ động là thái độ tích cực trong quá trình hội nhập, thể hiện qua các khẳng định của Việt nam về việc chấp nhận các thông lệ kế toán và kiểm toán quốc tế và áp dụng chúng ở mức độ cao nhất có thể được trong việc phát triển các chuẩn mực Việt nam. Thái độ này hữu ích cho quá trình hội nhập quốc tế của toàn bộ nền kinh tế Việt nam để hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Thận trọng là từng bước đưa các thông lệ quốc tế phù hợp với Việt nam vào hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam sau khi đã cân nhắc và tìm hiểu đầy đủ về cơ sở ra đời và cơ chế hoạt động của các thông lệ này. Nguyên tắc này cần thiết để bảo đảm tính nhất quán và khả thi của hệ thống. Thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản về kế toán và kiểm toán Để phục vụ cho chiến lược trên, trong một số năm trước mắt cần nỗ lực Việt nam hóa khối lượng tri thức khổng lồ về kế toán và kiểm toán của thế giới. Theo chúng tôi, nội dung các nghiên cứu cơ bản về kế toán và kiểm toán bao gồm: 1. Lịch sử kế toán và kiểm toán bao gồm quá trình hình thành và phát triển của các xu hướng lớn trong kế toán (bao gồm kế toán tài chính và kế toán quản trị) và trong kiểm toán. Chỉ những hiểu biết sâu sắc về lịch sử mới giải thích được cơ sở của những quan điểm hiện đại và các xu hướng mới trong tương lai. 2. Kế toán quốc tế bao gồm việc phân tích các khác biệt về kế toán (chủ yếu là kế toán tài chính) của các quốc gia trên thế giới và phương pháp xử lý các vấn đề mang tính quốc tế trong kế toán (thí dụ kế toán công ty đa quốc gia). 3. Các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế , thực ra là một bộ phận của kế toán quốc tế nhưng được tách ra để nhấn mạnh, bao gồm việc giải thích cơ sở của từng chuẩn mực, phân tích những điểm tiến bộ và hạn chế so với xu hướng chung của thế giới. 4. Khảo sát về hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam để đánh giá về tình hình của đội ngũ nghề nghiệp, thực trạng áp dụng các chế độ, chuẩn mực kế toán và kiểm toán. 11
  12. 5. Biên soạn tự điển thuật ngữ kế toán và kiểm toán như một bước trong quá trình Việt nam hóa các tri thức về lĩnh vực này trên thế giới, đồng thời khẳng định mức nhận thức của các nhà kế toán Việt nam. Thiết lập cơ chế của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam Hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam hiểu theo một nghĩa rộng không chỉ bao gồm các chuẩn mực hay chế độ (phần nội dung) mà còn bao hàm cả các tổ chức lập quy và tham gia quá trình lập quy cũng như quy trình hình thành chuẩn mực, chế độ (phần cơ chế). Hiện nay cơ chế của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam có những đặc điểm sau: • Tính hành chính: Các quy định về kế toán và kiểm toán do một cơ quan nhà nước ban hành (Bộ tài chính). • Tính tự nguyện: Quá trình nghiên cứu soạn thảo do các chuyên gia từ các công ty kiểm toán và trường đại học tham gia trên cơ sở tự nguyện. Tổ chức nghề nghiệp là Hội kế toán Việt nam có vai trò mờ nhạt trong quá trình này. Cơ chế hiện tại có tác dụng đáng kể trong giai đoạn đầu phát triển hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam vì nó bảo đảm tính tổ chức mà vẫn động viên tập hợp được trí tuệ của chuyên gia, nhưng về lâu dài sẽ không thích hợp cho việc mở rộng hệ thống. Theo chúng tôi, những quan điểm sau cần chú ý để hình thành một cơ chế hữu hiệu hơn: 1. Tăng cường vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong quá trình lập quy. Tuy nhiên, cần xác định đúng đắn mô hình tổ chức nghề nghiệp của Việt nam. Do những đặc điểm của Việt nam, việc áp dụng một mô hình tổ chức nghề nghiệp tự nguyện như các quốc gia Anglo-Saxon theo chúng tôi không thể phù hợp. Thay vào đó, cần hình thành một tổ chức nghề nghiệp mang tính bắt buộc cho tất cả các cá nhân hành nghề, tổ chức này được thành lập theo Luật định và được bảo trợ do một cơ quan chính phủ (thí dụ Bộ tài chính). 2. Chuyên nghiệp hóa quá trình biên soạn chuẩn mực bằng cách hình thành một tổ soạn thảo làm việc theo chế độ toàn thời gian, các cá nhân tham gia ý kiến từ bên ngoài sẽ hoạt động dưới dạng các tổ tư vấn. Về lâu dài, chức năng này sẽ chuyển sang Hội đồng quốc gia về kế toán. Phát triển nguồn nhân lực Vấn đề cơ bản quyết định chất lượng của hệ thống kế toán và kiểm toán quốc gia chính là trình độ của đội ngũ nhân viên kế toán và kiểm toán. Điều này thể hiện rõ nét qua quy trình đào tạo và cấp giấy phép hành nghề. Do đó, theo chúng tôi khâu đột phá để phát triển hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam là cấu trúc lại quá trình đào tạo nghề nghiệp, bao gồm các biện pháp sau: • Xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về kế toán và kiểm toán. Chương trình này xây dựng trên cơ sở các chuẩn kiến thức do Ủy ban đào tạo của IFAC ban 12
  13. hành có tham chiếu chương trình đào tạo của các tổ chức nghề nghiệp cụ thể như ACCA, AICPA, ICAEW và điều chỉnh thích hợp cho phù hợp với đặc điểm Việt nam nhưng phải chú ý đến tính quốc tế của bằng cấp. Tất cả các tổ chức đào tạo về kế toán và kiểm toán trong nưốc có thể tham gia quá trình đào tạo này ở những cấp độ khác nhau. • Tổ chức thi tuyển và cấp chứng chỉ hành nghề cho những người đạt chuẩn trên cơ sở chương trình đào tạo chuẩn. • Xây dựng chương trình đào tạo liên tục (CPE) cho các cá nhân đã có chứng chỉ để bắt buộc phải cập nhật kiến thức hàng năm. Các chương trình trên nên xây dựng theo nhiều cấp độ, thí dụ: • Cấp 1: Kế toán viên • Cấp 2: Kế toán tổng hợp, trợ lý kiểm toán viên • Cấp 3: Kế toán trưởng, Trưởng nhóm kiểm toán • Cấp 4: Giám đốc tài chính, Chủ nhiệm kiểm toán. Những cấp độ cao đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tế trong nghề nghiệp. Vai trò của Nhà trường trong quá trình trên Trong việc thực hiện những phương hướng nêu trên, theo chúng tôi Nhà trường (mà cụ thể là Khoa Kế toán và kiểm toán) có một vai trò rất quan trọng, bởi vì về khả năng, chúng ta có một đội ngũ nghiên cứu khoa học đông đảo, trong khi xã hội đang bỏ trống về mảng này (Hội kế toán Việt nam còn yếu và các công ty kiểm toán Việt nam chưa đủ lực và thời gian để thực hiện những công trình như vậy). Những công việc có thể tiến hành bao gồm: 1. Xúc tiến các nhóm nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực kế toán và kiểm toán nêu trên, các sản phẩm cần được phát hành và phổ biến để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo. 2. Chủ động xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về kế toán và kiểm toán để kiến nghị với Nhà nước về việc áp dụng trong thực tiễn. Chúng tôi tin rằng chương trình sẽ khẳng định được vị trí của mình bằng tính khoa học và thực tiễn của nó. 3. Tham gia tích cực vào quá trình phát triển hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán Việt nam. 4. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo của Nhà trường về lĩnh vực kế toán và kiểm toán, theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho sinh viên vừa phù hợp với hiện trạng Việt nam vừa chuẩn bị cho những bước hòa hợp vào thông lệ quốc tế. Những điều kiện cơ bản để quyết định sự thành công của việc thực hiện các ý tưởng nêu trên là: 13
  14. • Sự thống nhất về quan điểm không đứng ngoài mà chủ động tham gia và tác động vào quá trình đổi mới của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt nam. Quá trình tham gia này không những đóng góp cho sự nghiệp đổi mới nền kinh tế chung của đất nước mà còn khẳng định vị trí của các nhà khoa học nói chung, trường chúng ta nói riêng trong công cuộc này. • Tìm kiếm một cơ chế thích hợp để mang kết quả nghiên cứu đến cho xã hội và động viên sự hỗ trợ của các bên liên quan. Tất cả những ý kiến trên được phát biểu trên cơ sở nhiệt tình đóng góp vào công tác nghiên cứu khoa học của Khoa chúng ta và sự nghiệp chung của ngành kế toán và kiểm toán. Quá trình nghiên cứu và trình bày chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế, mong được sự thông cảm và đóng góp ý kiến. 14
  15. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Carey, J. , The Raise of the Accounting Profession, vol.1, New York, AICPA, 1969. 2. Cheung, L.K. và Guo, Z.W., Contemporary Accounting Issue in Chiana, An analytical Approach, Prentice-Hall, 1996. 3. Hove, M.R., The Anglo-American influence on International Accounting Standards: The case of the disclose standards of the IASC, Research in Third World Accounting, vol.1, London, JAI Press. 4. Lâm Bình Lễ, Phạm Huyên, Lâm Bỉnh Kiệt, Kế toán Pháp theo Hệ thống tài khoản kế toán tổng quát 1982, Vụ chế độ kế toán và kiểm tra kế toán, Bộ tài chính, 1991. 5. Nobes, C. và Parker, R., Comparative International Accounting, Prentice-Hall, 1995 6. Nobes, C., Accounting in Developing Economies: Question about Users, Uses and Appropriate Reporting Practices, ACCA, 1998. 7. Pacter, P., International Accounting Standards, The World's Standards by 2002, CPA Journal, Jul 1998 8. Robert, C.,Weetman, P. và Gordon, P., International Financial Accounting: A Comparative Approach, Financial Times, Pitman Pubhishing, 1998. 9. Roussey, R.S., The development of International Standards on Auditing, CPA Journal, Oct. 1999. 10. Vũ Mộng Giao, Kết quả và nguyên nhân thành công của Dự án kế toán và kiểm toán, Tạp chí kế toán, số 13, tháng 7.1998. 15