Kế toán ngân hàng - Khấu hao tài sản cố định: Một số điều cần bàn
Bạn đang xem tài liệu "Kế toán ngân hàng - Khấu hao tài sản cố định: Một số điều cần bàn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- ke_toan_ngan_hang_khau_hao_tai_san_co_dinh_mot_so_dieu_can_b.doc
Nội dung text: Kế toán ngân hàng - Khấu hao tài sản cố định: Một số điều cần bàn
- Khấu hao tài sản cố định: Một số điều cần bàn Theo quy định tại điểm 1a, Ðiều 5, mục II, chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 166/1999/QÐ-BTC ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên giá tài sản cố định loại mua sắm (kể cả mua mới và cũ) bao gồm: giá thực tế phải nộp; lãi tiền vay đầu tư cho tài sản cố định khi chưa đưa tài sản cố định vào sử dụng; các chi phí vận chuyển bốc dỡ; các chi phí sửa chữa, tân trang trước khi đưa tài sản cố định vào sử dụng; chi phí lắp đặt chạy thử, thuế và lệ phí trước bạ (nếu có). Như vậy, nguyên giá để làm căn cứ khấu hao tài sản cố định đối với tài sản cố định loại mua sắm là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra để có tài sản cố định sử dụng trong sản xuất kinh doanh. Nếu quy định như vậy thì hoàn toàn phù hợp không có gì đáng bàn. Tuy nhiên khi chúng ta đề cập đến quy định về thu lệ phí trước bạ thì cơ sở xác định nguyên giá tài sản cố định loại mua sắm để khấu hao theo quyết định này cần phải xem xét. Theo quy định tại Thông tư số 28/2000/TT-BTC ngày 18/4/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 176/1999/NÐ-CP ngày 21/12/1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ thì giá tính thuế trước bạ đối với tài sản mua sắm là giá bán thực tế thanh toán (giá bán bao gồm cả thuế GTGT) ghi trên hóa đơn bán hàng hợp pháp. Trường hợp không xác định được giá thực tế theo giá thị trường hoặc giá trên chứng từ không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm tính lệ phí trước bạ thì được xác định theo bảng giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Theo quy định này đối với những tài sản cố định loại mua sắm nếu giá mua trên hóa đơn cao hơn giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thì giá làm căn cứ để tính lệ phí trước bạ là giá thực tế trên hóa đơn. Như vậy khi xác định nguyên giá tài sản để khấu hao là hoàn toàn phù hợp vì giá làm căn cứ để tính lệ phí trước bạ bằng với nguyên giá để làm căn cứ tính khấu hao cơ bản. Trường hợp đối với những tài sản cố định loại mua sắm nếu giá mua trên hóa đơn thấp hơn giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thì giá làm căn cứ để tính lệ phí trước bạ là giá tối thiểu để tính lệ phí trước bạ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định, lúc này nguyên giá tài sản cố định loại mua sắm làm căn cứ để tính khấu hao thấp hơn giá làm căn cứ để tính lệ phí trước bạ. Từ thực tế này, việc xác định nguyên giá tài sản cố định loại mua sắm làm căn cứ để tính khấu hao theo quy định Quyết định số 166/1999/QÐ-BTC có nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng, việc trích khấu hao theo Quyết định số 166/1999/QÐ- BTC và Thông tư số 28/2000/TT-BTC ngày 18/4/2000 của Bộ Tài chính (hướng dẫn thi hành Nghị định số 176/1999/NÐ-CP ngày 21/12/1999 của Chính phủ) về lệ phí trước bạ không liên quan với nhau. Vì vậy khi kê khai nộp lệ phí trước bạ đối với tài sản cố định loại mua sắm thì căn cứ vào giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định, đồng thời khi xác định nguyên giá tài sản cố định để trích khấu hao thì căn cứ vào số tiền thực tế doanh nghiệp đã chi thể hiện trên chứng từ mua.
- 2 Khi áp dụng quy định này một số cơ sở kinh doanh cho rằng, việc xác định như vậy là chưa phù hợp và ảnh hưởng đến lợi ích của họ vì khi kê khai nộp lệ phí trước bạ liên quan đến quyền sở hữu tài sản vào ngân sách Nhà nước thì áp dụng tính lệ phí trước bạ tài sản cao hơn khi xác định nguyên giá tài sản để tính khấu hao (giá của UBND tỉnh, thành phố quy định cao hơn giá thực tế theo chứng từ mua). Có quan điểm khác lại cho rằng, việc xác định giá trị tài sản cố định là thống nhất nghĩa là khi doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp lệ phí trước bạ liên quan đến quyền sở hữu tài sản vào ngân sách Nhà nước theo giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thì khi xác định nguyên giá để trích khấu hao cũng phải căn cứ vào giá của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Nếu áp dụng theo trường hợp này thì cũng không phù hợp, vì thực tế số tiền thanh toán của doanh nghiệp thấp hơn so với nguyên giá làm căn cứ để tính khấu hao. Vì vậy, để thống nhất trong việc xác định nguyên giá tài sản để khấu hao cũng như giá tính lệ phí trước bạ, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, theo chúng tôi nên quy định việc xác định nguyên giá đối với tài sản cố định loại mua sắm như sau: Giá trị thực tế tài sản cố định mua sắm (theo hóa đơn mua) cao hơn giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thì nguyên giá để tính khấu hao là giá thực tế thanh toán (theo hóa đơn mua). Trường hợp giá trị thực tế tài sản cố định mua sắm (theo hóa đơn mua) thấp hơn giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thì nguyên giá để tính khấu hao là giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Ðể tránh sự chênh lệch lớn giữa giá tính lệ phí trước bạ của tài sản cố định với nguyên giá khi xác định tính khấu hao các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố kịp thời điều chỉnh bảng giá tối thiểu để tính lệ phí trước bạ./. Nguyễn Xuân Hải, TBTCVN 70